Trường THCS Diễn Hồng

Thứ năm - 22/03/2012 16:34
Địa chỉ: xã Diễn Hồng - huyện Diễn Châu - tỉnh Nghệ An
Trường THCS Diễn Hồng
Email: thcsdienhong.dc@nghean.edu.vn
Điện thoại:
Hiệu trưởng: Nguyễn Văn Công - ĐT: 0912.921.780
Phó hiệu trưởng: Lê Thị Ngọc Mỹ - ĐT: 0912.884.792
Chủ tịch Công doàn: Nguyễn Hữu Thọ - ĐT: 0979.606.099
Lịch sử trường THCS Diễn Hồng - Sơ lược tiến trình  phát triển
Năm học 1966-1967: Hiệu trưởng Nguyễn Văn Ban quê  ở Diễn Phong
Năm học 1967-1968: Hiệu trưởng Nguyễn Văn Ban
Năm học 1968-1969: Hiệu trưởng Ngô Xuân Hão quê   ở  Diễn Hạnh
Năm học 1969-1970 - (Sát nhập với trường cấp 2 Diễn Phong vì 2 xã Diễn Phong - Diễn Hồng nhập lại thành xã Hồng Phong)
- Hiệu  trưởng Nguyễn Ngọc Hộ quê ở Diễn Xuân
- Hiệu Phó Phạm Dịu quê ở Diễn Phong
Năm học 1970-1971: Hiệu trưởng Phạm Dịu
Năm học 1971-1972-              nt
Năm học  1972-1973-             nt
Năm học  1973-1974-             nt
Năm học 1974-1975 -             nt
Năm học  1975-1976-             nt
Năm học  1976-1977: Hiệu trưởng  Phạm Duyên quê ở Diễn Hoàng, Phó hiệu trưởng Đặng Xuân Hiệp quê ở Diễn Kỷ
Năm học 1977-1978-              nt
Năm học 1978-1979: Hiệu trưởng Phạm Duyên, Phó hiệu trưởng Đậu Xuân Khang  quê ở Diễn Tháp
Năm học  1979-1980-             nt
Năm học  1980-1981-             nt
Năm học  1981-1982 đến năm học1990 -1991: Hiệu trưởng Nguyễn Văn Tiêu quê ở Diễn Kỷ. Phó hiệu trưởng  Lê Viết Lạc quê ở Diễn Phong, Phó hiệu trưởng  Nguyễn Viết Quang quê ở Diễn Hồng.
Từ năm học 1992-1993 đến năm học 1996-1997 trường sát nhập với trường THPT Diễn Châu 2.
Từ năm học 1996-1997 trường được tách khỏi trường THPT Diễn Châu 2 và thành trường riêng được mang tên là trường THCS  Diễn  Hồng.
Năm học 1996-1997 và Năm học 1997-1998: Hiệu trưởng Nguyễn Danh Lâm quê ở Diễn Ngọc, Phó hiệu trưởng  Lương Hồng Trường quê ở Diễn Hồng                 
Từ năm học 1998-1999 cho đến năm học 2001-2002 Hiệu trưởng LươngHồng Trường, phó hiệu trưởng Võ Công Khanh  quê ở Diễn Hoa.
Năm học 2001-2002 phó hiệu trưởng Nguyễn Văn Quý quê ở Diễn Ngọc.
Từ năm học 2002-2003 đến năm học 2004-2005 Hiệu trưởng Lương Hồng Trường, phó hiệu trưởng Hoàng Thị Phương Mai quê ở Đức Thọ (Hà Tĩnh)
Từ năm học 2004-2005 được bổ sung thêm phó hiệu trưởng Lê Thị Ngọc Mỹ Quê ở Diễn Hạnh.
        Trường THCS Diễn Hồng được ra đời cách đây vừa đúng 39 năm. Đó là năm học 1966-1967, đây là thời kỳ cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ diễn ra vô cùng gay go và quyết liệt.
        Vì thế khi được thông báo của Ty giáo dục Nghệ An cho xã Diễn Hồng thành lập trường cấp 2. Đảng uỷ, Chính quyền và nhân dân xã Diễn Hồng vô cùng phấn khởi vì đây là niềm ao ước bao năm, nay đã thành hiện thực . Nhưng Đảng uỷ , chính quyền cũng rất lo lắng làm sao bảo đảm cho nhà trường được an toàn vì lúc này đây Diễn Hồng là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ. Ngày 9 tháng 8 năm 1965 Mỹ ném bom xóm Aí Quốc, Đồng chí Nguyễn Văn Khai chủ tịch UBND Xã Diễn  Hồng đã hy sinh. Vì thế đảng uỷ, chính quyền họp và quyết định chọn xóm Thành Trài để xây dựng lớp học sơ tán trường về đây. Thành trài là một xóm giáo dân thuộc họ Thành Trài ở trên một khu thành cổ được xây dựng từ thời nhà Hồ (Cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ thứ XV) . Trải qua mấy trăm năm lịch sử, cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược thành đã bị tàn phá và trở thành nơi  ở của cư dân. Năm 1965 khi giặc Mỹ đánh phá ác liệt dọc quốc lộ 1A, Họ Thái Hoà cũng được sơ tán về đây. Do đó xóm thành trài trở nên đông đúc. UBND xã Diễn Hồng huy động dân quân và đoàn thanh niên làm lán cho các lớp học. Lán làm bằng tre, lợp tranh nên được đào sâu xuống 1m2, xung quanh đắp luỹ đất dày và cao 2m. Từ trong lán bốn góc có hào giao thông chạy ra ngoài dãy hầm chữ A. Với ý chí và quyết tâm nên chỉ sau 10 ngày ba lán dành cho 3 lớp học đã hoàn thành, hầm hào phòng tránh đảm bảo an toàn cho Học sinh và thầy cô giáo. Nhà trường còn tập trung Học sinh học tập, nội quy và thực tập phòng tránh máy bay, tập cấp cứu, băng bó vết thương, cứu người khi bị sập hầm… Chuẩn bị chu đáo, đến ngày 4/9/1966 ngày khai giảng và công bố quyết định thành lập trường được tổ chức trọng thể. Đến dự có ông Chu Quang Thái, chủ tịch UBND xã Diễn Hồng. Ông Trần Văn Lương, Bí thư Đảng Uỷ xã Diễn Hồng. Đồng chí Lại Thế Tám, Bí thư đoàn TN lao động  Việt Nam xã Diễn Hồng, chị Nguyễn Thị Thịnh Hội trưởng Hội phụ nữ xã Diễn Hồng cùng đại biểu các hợp tác xã nông nghiệp. Ông Phạm Đình Hà, Trưởng phòng giáo dục Diễn Châu cùng về dự Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Ban đọc quyết định thành lập  Trường PT cấp 2 Diễn Hồng năm học 1966-1967 có 3 lớp: 2 lớp 5, 1 lớp 6 gồm 152 Học sinh nam và nữ . Mặc dầu lễ khai giảng tiến hành trong thời chiến, trong lúc tiếng máy bay Mỹ vẫn gầm rú trên bầu trời quê hương nhưng tất cả các đại biểu, các thầy cô cùng toàn thể Học sinh đều phấn khởi và tự hào những ngày trong chiến tranh ác liệt sự nghiệp giáo dục vẫn phát triển, các em Học sinh vẫn “Đội bom đi học” (lời của nhà thơ Tố Hữu). Thế là từ đó, ngày ngày các thầy cô tận tuỵ giảng dạy. Các em Học sinh đầu đội mũ rơm, vai mang vòng lá nguỵ trang hăm hở tới trường. Thực hiện khẩu hiệu “Vừa học tập, vừa chiến đấu”, các em Học sinh trường cấp 2 Diễn Hồng còn chặt lá nguỵ trang các đoàn xe ô tô chở hàng vào Nam vì trời sáng không đi được vào ẩn nấp dọc các luỹ tre làng.
        Sang năm học 1967-1968 Thầy Nguyễn Văn Ban ở Diễn Phong vẫn tiếp tục làm Hiệu trưởng. Năm học này trường có 5 lớp: 2 lớp 5, 2lớp 6 và 1 lớp 7. Mặc dầu sang năm 1967 máy bay Mỹ nhiều lần ném bom vào xã Diễn Hồng. Đau thương nhất là trận ném bom đêm 9/2/1967 vào xóm Hạc Quy làm chết 20 người và nhiều người khác bị thương. Tuy vậy địa điểm nhà trường vẫn đảm bảo giữ được bí mật. Thầy và trò đều  thực hiện tốt nội quy phòng tránh tốt nên suốt thời kỳ giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc Trường vẫn giữ được an toàn tuyệt đối. Năm học 1968-1969 thầy Nguyễn Văn Ban chuyển đi, Thầy Ngô Xuân Hão quê ở Diễn Hạnh về làm Hiệu trưởng. Trường có 6 lớp: 2 lớp 5, 2 lớp 6 và 2 lớp 7 với 245 học sinh nam và nữ. Trường vẫn tiếp tục sơ tán ở xóm Thành Trài. Được sự đùm bọc, thương yêu, săn sóc, chở che của nhân dân hai xứ họ Thái Hoà và Thành Trài. Đến ngày 1/11/1968 giặc Mỹ buộc phải ngừng ném bom trên toàn Miền Bắc vì cuộc chiến tranh phá hoại của bọn chúng đã bị quân dân miền Bắc anh hùng dưới sự lãnh áng suốt của Bác Hồ và Đảng quang vinh đanh scho tan tác. Bắn rơi hơn 4000 máy bay, bắt sống gần 500 giặc lái Mỹ.
       Đến năm 1969, theo quyết định số 268 NVngày 22/5/1969 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hai xã Diễn Hồng và Diễn Phong sát nhập thành một xã Hồng Phong. Vì thế trường cấp 2 Diễn Hồng cũng nhập với trường cấp 2 Diễn Phong.Nhà trường được xây dựng trên vùng đát thuộc xóm Cuồi xã Diễn Phong nơi giáp ranh 2 xã để tiện cho Học sinh đi học. Lúc này miền Bắc đã hoà bình. Nhân dân phấn khởi xây dựng trường khang trang hơn. Tuy vẫn còn lợp tranh, trường đan tre trát đát quét vôi nhưng được làm thành 3 dãy, mỗi dãy có 3 phòng học thành hình chữ môn ôm lấy sân trường rộng rãi. Có nhà văn phòng, nhà nghỉ cho Giáo viên . Trong năm học 1969-1970 trường có 9 lớp: 3 lớp 5, 3 lớp 6 và 3 lớp 7 gồm 408 Học sinh nam và nữ do thầy Nguyễn Ngọc Hộ quê ở Diễn Xuân làm Hiệu trưởng và thầy Phạm Dịu quê ở Diễn Phong làm hiệu phó. Cả trưởng đang hân hoan chào đón ngày khai giảng năm học mới thì bỗng nghe thông báo của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam: Hồ Chủ Tịch đã từ trần 9h 50’ ngày 3/9/1969. Cả nước lặng đi vì đây là “tổn thất này vô cùng lớn lao. Đau thương này thật là vô hạn” (Điếu văn của đồng chí Bí thư Lê Duẩn đọc tại lễ truy điệu Hồ Chủ Tịch§). Cả trường để tang cho Bác.
       Trong những ngày này ai cũng khóc Bác nhất là trong buổi lế truy điệu trọng thể do UBND xã Hồng Phong tổ chức tại sân vận động Đông Tháp. Nhưng biến đau thương thành hành động thầy trò nhà trường lại càng quyết tâm phấn đấu học tập tốt hơn.
       Năm 1971 chính phủ lại có chủ trương tách các xã nên Hồng Phong lại trở thành hai xã Diễn Hồng và Diễn phong như cũ. Vì Vậy năm học 1971-1972 trường cấp 2 Diễn Hồng lại trở về trường cũ. Nhà trường là hai dãy nhà ngói khang trang nằm trên khu đát ở phía Bắc trường hiện nay. Trường do thầy Phạm Dịu quê ở Diễn Phong làm Hiệu trưởng và năm học 1971-1972 trường có 5 lớp: 2 lớp 5, 2 lớp 6 và 1lớp 7 với 282 Học sinh nam nữ.
       Trong năm học 1971-1972 thầy Dịu vẫn tiếp tục làm Hiệu trưởng. Phong trào thi đua “Hai tốt” vẫn phát triển. Tuy vậy đến tháng 5/1972 khi ở Mỹ Ních Xơn làm tổng thống. Ních Xơn đã ra lệnh ném bom trở lại Miền Bắc và còn phong toả các cảng biển như Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An … Chiến tranh lại bùng nổ toàn dân miền Bắc lại tiếp tục chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ nhưng lần này mức độ ác liệt hơn nhiều. Trước tình hình như vậy nên Ty Giáo dục Nghệ An chủ trương cho các trường bế giảng năm học  và không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp cho Học sinh lớp 7, lớp  10 năm học 1971-1972 nữa mà chỉ xét tốt nghiệp. Nhờ chủ trương đúng dắn của cấp trên như vậy nên trận bom Mỹ đánh vào nhà trường vào ngày 20/5/1972 nhưng nhà trường đã sơ tán nên không có ai bị thương vong chỉ bị hỏng các phòng học.
        Tháng 12/1972 đê squốc Mỹ liều lĩnh đánh phá Thủ đô Hà Nội. Trận 12 ngày đêm Hà Nội đã trở thành trận “§iện Biên Phủ trên không” đè bẹp ý đồ kéo dài chiến tranh của đế quốc Mỹ, buộc bọn chúng phải ký hiệp định Pa ri 27/1/1973 chấm dứt hoàn toàn chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, rút quân khỏi miền Nam. Cả nước hổ hởi phấn khởi vì toàn dân đã làm đúng lời của Bác Hồ “§ánh cho Mỹ  cút” trong thơ mừng xuân cuối cùng của Bác xuân 1968.
        Thế là Trường cấp 2 Diễn Hồng lại trở lại trường cũ và Thầy Phạm Dịu ở Diễn Phong tiếp tục làm Hiệu trưởng cho mãi tới năm học 1975-1976. Trong những năm này trường liên tục phấn đấu trở thành trường tiên tiến. Đặc biệt trong đợt phát động đoà sông Vách Bắc lập thành tích chào mừng Đại hộ Đảng và nước Việt Nam thống nhất tháng 12/1976, nhà trường và Học sinh đã tích cực tham gia và giúp đỡ các cơ quan, đoàn thể bộ đội đi lao động nên được Ty Giáo dục khen và tặng rất nhiều đồ dùng dạy học có giá trị.
       Đến năm học 1976-1977 ntrường cấp 2 Diễn Hồng đổi tên thành trường Phổ thông cơ sở do thầy Phạm Duyên quê ở Diễn Hoàng làm Hiệu trưởng. Trường lúc này bao gồm cả cấp 2 và cấp 1.  Cấp 2 có 9 lớp: 3 lớp 5, 3 lớp 6 và 3 lớp 7.
Thầy Đặng Xuân Hiệp quê ở Diễn Kỷ làm Hiệu phó. Sau thầy Hiệp đổi đi thì Thầy Đậu Xuân Khang quê ở Diễn Thấp về làm Hiệu trưởng.
       Trong 5 năm học (1976-1981) thầy Phạm Duyên là Hiệu trưởng trường tiếp tục phát huy thành tích nên cũng liên tục là trường Tiên tiến của phòng giáo dục Diễn Châu. Trường đã có nhiều Học sinh sinh giỏi ở Huyện và ở tỉnh.
       Đến năm học 1981-1982 thầy Nguyễn Văn Tiêu về làm Hiệu trưởng trường Phổ thông cơ sở Diễn Hồng trường vẫn bao gồm cả cấp 2 và cấp 1. Cấp 2 có 9 lớp: 3 lớp 5, 3 lớp 6 và 3 lớp 7. Hiệu phó là thầy Lê Viết Lạc ở Diễn Phong và thầy Nguyễn  Viết Quang quê ở diễn Hồng.
       Trong thời kỳ này trường được xây dựng khang trang, phòng học là những dãy nhà cấp 4, bàn ghế đúng quy định. Học sinh ngày càng đông. Các thầy cô giáo tích cực giảng dạy nên thời kỳ Nguyễn Văn Tiêu làm Hiệu trưởng nhà trường đạt nhiều thành tích. Đạt danh hiệu là trường tiên tiến xuất sắc của phòng giáo dục Diễn Châu trong nhiều năm liền.
       Đến năm học 1991-1992 trường cấp 2 Diễn Hồng theo chủ trương của Sở Giáo dục Nghệ An lại sát nhập với trường phổ thông cấp 3 Diễn Châu 2. Trong thời gian 4 năm tên trường cấp 2 Diễn Hồng tạm thời không còn nữa….
* Những Học sinh  khóa đầu tiên của trường cấp 2 Diễn Hồng trong thời kỳ chống Mỹ.
        Đi bộ đội và anh dũng hy sinh như Liệt sỹ: Trình Ngọc Thìn,  Liệt sỹ: Trần Lạc
  • Là cán bộ chủ chốt của địa phương:
- Anh Trần Mạnh 3 khoá làm chủ tịch UBND xã Diễn Hồng nay là Trưởng phòng Nội vụ UBND huyện Diễn Châu.
- Anh Nguyễn Song Toàn làm chủ nhiệm hợp tác xã Trung Hồng nay là chủ tịch Hội nông dân.
- Anh Lý Hồng Quân làm chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Diễn Hồng nhiều năm nay chuyển sang làm địa chính của UBND xã Diễn Hồng.
- Anh Nguyễn Văn Cảnh Phó chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Diễn Hồng.
- Anh Nguyễn Hồng Thuấn kế toán trưởng Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Diễn Hồng.
- Anh Nguyễn Văn Trung thủ quỹ của UBND xã Diễn Hồng.
- Chị Nguyễn Thị Đông chủ tịch Hội phụ nữ xã Diễn Hồng.
  • Cán bộ thoát ly:
- Anh Nguyễn Văn Hà Tiến sỹ, CBGD Học Viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
- Anh Cao Xuân Liên công tác ở Bộ Công An..
- Anh Lý Nam Dân Trung tá trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Nghệ An.
- Anh Phạm Kỳ Hiệu Trưởng Trường PTTH Lộc An, Bảo Lâm - Lâm Đồng.
- Anh Nguyễn Văn Thắng Thượng tá đặc phái viên của Bộ Quốc phòng công tác ở nước bạn Lào. /.
 
         Năm 1991 Liên Xô (cũ) và các nước XHCN ở Đông Âu tan vỡ. Tình hình chính trị thế giới diễn biến phức tạp. Nước ta đang trong tình trạng khủng hoảng kinh tế đời sống của nhân dân hết sức khó khăn. Trong bối cảnh chung như vậy, ngành Giáo dục nước ta xuống cấp trầm trọng, nhiều Giáo viên bỏ nghề, Học sinh bỏ học hàng loạt, quy mô trường lớp teo lại. Giáo dục Diễn Hồng cũng trong tình trạng đó. 
        Riêng cấp 2 chỉ còn 7 lớp với hơn 200 Học sinh. Vì vậy từ năm học 1992-1993 Trường cấp 2 Diễn Hồng  được sát nhập với trường cấp 3 Diễn Châu 2. Một số Giáo viên được chuyển ra trường cấp 3 để dạy, số còn lại được chuyển xuống dạy ở Trường Tiểu học Diễn Hồng. Ban giám hiệu Trường cấp 2 cũng được chuyển về trường Tiểu học.
        Thực hiện công việc đổi mới do Đảng ta khởi xướng. Đất nước ta đã chuyển mình, nền kinh tế từng bước được hồi phục, đời sống nhân dân được cải thiện nhanh chóng. Tình hình an ninh, chính trị, trật tự xã hội được củng cố và phát triển. Đối với Giáo dục, nghị quyết TW4 khoá 6 và nghị quyết TW2 khoá 7 ra đời đã đưa Giáo dục nước nhà dần dần hồi phục và từng bước được nâng lên. Tình trạng Học sinh bỏ học đã giảm hẳn, quy mô trường lớp phát triển nhanh chóng. Từ năm học 1996-1997 Trường cấp 2 Diễn Hồng được tách ra khỏi trường cấp 3 Diễn Châu 2 trở thành Trường THCS Diễn Hồng và được tiếp quản ngôi trường cũ của Trường cấp 1 Diễn Hồng.
        Năm học 1996-1997, năm học đầu tiên tái lập trường, trường chỉ có 14 lớp với 603 học sinh và 25 cán bộ, Giáo viên công nhân viên. Hiệu trưởng là thầy Nguyễn Danh Lâm quê ở Diễn Ngọc. Phó hiệu trưởng là thầy Lương Hồng Trường quê ở Diễn Hồng. Cơ sở vật chất của trường lúc này rất nghèo nàn, các phòng cấp 4 đã xuống cấp, bàn ghế  cũ kỹ hư hỏng. Tài liệu sách giáo khoa, đồ dùng giảng dạy, kể cả hồ sơ Giáo viên, Học sinh hầu như không có. Trong những ngày đầu, tuy khó khăn rất lớn nhưng được sự quan tâm chăm lo của Đảng uỷ, UBND, phụ huynh Học sinh, sự chỉ đạo sát sao kịp thời của Phòng Giáo dục đào tạo Diễn Châu. Đặc biệt là sự nỗ lực cố gắng cao của tập thể Cán bộ, Giáo viên Công nhân viên và Học sinh . Kết quả cuối năm nhà trường đã có 19 học sinh giỏi huyện, 2 Giáo viên giỏi huyện trong đó 1 thầy giáo được chọn trong đội tuyển đi thi ở tỉnh.  Trường được đánh giá là đơn vị Khá của huyện.
        Năm học 1997-1998 , trường lại có 17 lớp với 777 Học sinh . Năm học này được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, bằng sự đầu tư đóng góp của nhân dân. Trường được xây dựng 12 phòng học cao tầng. Tập thể Cán bộ, Giáo viên  Học sinh tiếp tục phấn đấu vươn lên và tự khẳng định mình. Kết quả cuối năm được công nhận là trường tiên tiến có 37 Học sinh giỏi huyện và 1 Học sinh giỏi Tỉnh.
        Năm học 1998-1999 Trường có 20 lớp với 897 Học sinh . Năm học này Ban giám hiệu Trường có sự thay đổi. Thầy Nguyễn Danh Lâm chuyển về Thị Trấn. Hiệu trưởng là thầy Lương Hồng Trường, phó hiệu trưởng là thầy Võ Công Khanh quê ở Diễn Hoa là Phó Hiệu trưởng. Đội ngũ CB, Giáo viên, công nhân viên có 36 người.
       Năm học này trường tiếp tục phấn đấu vươn lên. Bằng bàn tay, sức lao động của mình cảnh quan nhà trường tiếp tục được đổi mới xanh, sạch đẹp. Giáo viên Học sinh thi đua nhau dạy tốt, học tập tốt. Kết quả cuối năm học đạt trường tiên tiến, có 3 Giáo viên giỏi huyện, 2 CSTĐ cấp huyện, có 37 Học sinh giỏi huyện và 3 Học sinh giỏi Tỉnh.
        Năm học 1999-2000 Trường có 23 lớp với số  Học sinh 1071 em, tổng số cán bộ, Giáo viên, nhân viên là 39 người. Đây là năm học mà tập thể cán bộ, Giáo viên, Học sinh nỗ lực cao, đã đạt được kết quả: Có 2 CSTĐ, 6 Giáo viên giỏi huyện, có 2 Học sinh giỏi Tỉnh, 49 Học sinh giỏi huyện. Trường được công nhận là Đơn vị tiên tiến xuất sắc cấp huyện, tiên tiến cấp tỉnh.
       Năm học 2000-2001 trường có 26 lớp với 1176 Học sinh, tổng số CB, CNV là 44 người. Kết quả phấn đấu cuối năm đạt trường tiên tiến với 2 CSTĐ, 6 Giáo viên giỏi huyện, 55 Học sinh giỏi huyện.
       Năm học 2001-2002 trường có 28 lớp với 1189 Học sinh . Tổng số CB, Giáo viên là 50 người. Ban giám hiệu được bổ sung tăng thêm 1 Phó hiệu trưởng Thầy Nguyễn Văn Quý quê ở Diễn Ngọc. Nhà trường tiếp tục phấn đấu để dành lại danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc. Kết quả phấn đấu cuối năm có 2 CSTĐ và 6 Giáo viên giỏi huyện, 2 Học sinh giỏi tỉnh, 73 Học sinh giỏi huyện. Trường đạt đơn vị tiên tiến.
       Năm học 2002-2003 trường có 29 lớp với 1212 Học sinh. Tổng số CB, Giáo viên CNV là 55 người. Đây là năm học đỉnh cao về số lớp và số Học sinh của Trường THCS Diễn Hồng. Năm học này Ban giám hiệu của trường có thay đổi thầy Nguyễn Công Khanh được điều đi làm Hiệu trưởng Trường THCS Diễn Tháp. Năm 2002 là năm đánh dấu mốc son trong lịch sử của trường, đó là trường được công nhận là Đơn vị văn hoá cấp huyện. Sang học kỳ 2 tiếp tục có sự thay đổi, thầy Nguyễn Văn Quý  được điều đi làm Hiệu trưởng Trường THCS Diễn Bích, Cô Hoàng Thị Phương Mai quê ở Đức Thọ (Hà Tĩnh) cư trú ở Diễn Ngọc (Diễn Châu) được điều về làm phó Hiệu trưởng thay thầy Quý.
        Kết quả cuối năm học trường đạt đơn vị tiên tiến, có 2 CSTĐ cấp cơ sở và 5 Giáo viên giỏi huyện, 2 Học sinh giỏi tỉnh, 79 Học sinh giỏi huyện.
       Năm học 2003-2004 trường có 27 lớp với 1123 Học sinh, tổng số CB, Giáo viên, CNV là 54 người. Năm học này trường được công nhận hoàn thành phổ cấp THCS vào tháng 11/2003.
      Kết quả cuối năm trường tiếp tục được công nhận là đơn vị tiên tiến, có 2 CSTĐ cấp cơ sở, 5 Giáo viên giỏi huyện, 2 Giáo viên dạy giỏi huyện, 1 Giáo viên dạy giỏi tỉnh; Có 85 Học sinh giỏi huyện và 1 Học sinh giỏi tỉnh.
     Năm học 2004-2005 trường có 26 lớp với 1064 Học sinh; Tổng số CB Giáo viên, CNV là 53 người. Năm học này trường được tăng cường thêm 1 phó Hiệu trưởng cô Lê Thị Ngọc Mỹ quê ở Diễn Hạnh. Đây là năm học nhà trường được giao nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn quốc gia.
       Được sự quan tâm của Đảng uỷ, UBND và các bậc phụ huynh trường được xây dựng nhà thực hành hướng nghiệp, lát gạch sân trường. Đồng thời san lấp dãy ao phía đông, diện tích khuôn viên trường được mở rộng. Có thể nói đây là một năm học mà cơ sở vật chất cũng như cảnh quan nhà trường được thay đổi khang trang hẳn lên.
       Kết quả cuối năm học trường đạt đơn vị tiên tiến, có 2 CSTĐ cấp cơ sở, 2 Giáo viên giỏi huyện, 1 Giáo viên giỏi tỉnh, có 23 Học sinh giỏi huyện khối 9, (khối 6,7, 8 không tổ chức thi Học sinh giỏi huyện).
     Năm học 2005-2006:  Trường có 25 lớp. Trong đó có 7 lớp 9, các khối lớp khác mỗi khối có 6 lớp với tổng cộng 1038 học sinh. Trường có 3 chiến sỹ thi đua cấp cơ sở,  Trường có 21 học sinh giỏi huyện, 2 học sinh giỏi tỉnh Đạt danh hiệu tiên tiến, đặc biệt được công nhận trường chuẩn quốc gia
     Năm học 2006-2007: Trường có 24 lớp với 1002 học sinh. Tổng số cán bộ công nhân viên chức là 52 người đạt danh hiệu tiên tiên Xuất sắc
     Năm học 2007-2008: Trường có 23 lớp, 28 học sinh giỏi huyện, 5 lượt học sinh giỏi tỉnh, 7 chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. Đạt danh hiêu tiên tiến xuất sắc
     Năm học 2008-2009: trường có 19 lớp, 53 cán bộ, giáo viên, 19 học sinh giỏi huyện, 1 học sinh giỏi tỉnh. Đạt tiên tiến
     Năm 2009-2010, trường có 18 lớp, 53 cán bộ giáo viên, 31 học sinh giỏi huyện, 4 học sinh giỏi tỉnh. Đạt TTXS

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Công - Hiệu trưởng trường THCS Diễn Hồng

Nguồn tin: dienchau.edu.vn

 Từ khóa: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 32 trong 9 đánh giá

Xếp hạng: 3.6 - 9 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây