Học sinh được phát huy tối đa tính tích cực, chủ động, tinh thần hợp tác, chia sẻ trong nhóm. Học sinh được rèn luyện cách học, cách tư duy . Học sinh được tự học, hoạt động, trải nghiệm, hợp tác từ đó có được năng lực mới (kiến thức, kĩ năng, các phẩm chất, yếu tố khác của năng lực). Giáo viên chỉ tư vấn, hỗ trợ, tổ chức quá trình tự học của HS. Lối dạy học này tạo điều kiện đẩy mạnh đổi mới PPDH và các hình thức dạy học trên cơ sở tổ chức các hoạt động phát huy tính tích cực chủ động, khả năng tự học của HS. Tăng khả năng thực hành, vận dụng, chú ý tính tích hợp với hoạt động phát triển ngôn ngữ của HS thông qua các hoạt động học tập. Chú trọng khai thác và sử dụng những kinh nghiệm của HS trong đời sống hàng ngày. Gắn kết giữa nội dung dạy học với đời sống thực tiễn của HS, của cộng đồng thông qua Hoạt động ứng dụng của mỗi bài học và khuyến khích HS tích lũy KT, KN qua mọi kênh thông tin. Phối hợp và tận dụng được sự đồng tình và hỗ trợ về mọi mặt của phụ huynh, xã hội. Phát huy tối đa vai trò của nhóm trưởng trong việc điều hành hoạt động tương tác của học sinh trong nhóm. Sự thay đổi phương pháp sư phạm đã tạo cho học sinh tâm thế mới trong việc học tập, học sinh chủ động, tích cực hơn. Từ đó phát triển các kỹ năng cơ bản cốt lõi, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, ứng xử và các kỹ năng “mềm” khác trong cuộc sống và trong tương lai: kỹ năng điều khiển, kỹ năng hợp tác,...đào tạo con người thích ứng yêu cầu xã hội hiện đại.
Các môn học được tích hợp và giúp nhau hỗ trợ nhau trong việc GD học sinh, việc các môn học được chuyển thành hoạt động GD đã làm giảm bớt gánh nặng trong học tập cho các em. Hoạt động GD được GV chủ động chọn nội dung cho phù hợp với đối tượng, chọn hình thức lên lớp nhẹ nhàng mà học sinh vui và thích, không đánh giá nặng nề và đặc biệt là GV chọn bài phù hợp với chủ điểm Tiếng Việt thì vấn đề GD các em càng có kết quả tốt.
Chất lượng DH và GD có thể nói là yên tâm, không thua giảng dạy theo chương trình hiện hành. Đánh giá cuối năm cho thấy tỷ lệ khá, giỏi cao.
Môi trường GD thân thiện hơn, tạo điều kiện tốt cho các em phát triển, thể hiện mình trong môi trường GD mới. Các em có điều kiện nói lên suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của mình. Đặc biệt, các em biết hỗ trợ, tư vấn cho nhau, góp ý cho nhau cùng tiến bộ, tinh thần trách nhiệm của các em vì tập thể tốt hơn. Các em có ý thức chia sẻ, hợp tác tốt.
Thực hiện chương trình VNEN mở ra cơ hội để sự phối hợp nhà trường với các đoàn thể, giữa giáo viên với phụ huynh và cộng đồng XH chặt chẽ hơn. Phụ huynh trực tiếp tham gia GD con em mình, trực tiếp tham gia đánh con em mình thông qua việc thực hành kỹ năng của con em. Nhà trường thường xuyên liên lạc và phối hợp với phụ huynh và các tổ chức xã hội, vấn đề XHH giáo dục tiến hành rất tốt.
Giáo viên không phải soạn bài, chỉ ghi nhật ký bài dạy nên có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị đồ dùng và chọn nội dung lên lớp. Thiết kế của tài liệu rất tiện cho GV và HS trong hoạt động dạy và học. Đa số kênh hình và kênh chữ rõ ràng giúp HS dễ hiểu, giúp HS tiếp cận bài một cách dễ dàng.
Một số vấn đề cụ thể:
Thứ nhất: Về thay đổi môi trường lớp học:
- Tất cả Gv dạy lớp VNEN đã nhận thức rõ trang trí phòng học làm sao để chúng trở thành nơi có môi trường thân thiện nhất đối với trẻ: màu sắc phải sinh động; có các góc học tập theo môn học, HĐGD; có góc cộng đồng; góc thư viện; hộp thư bày tỏ ý kiến cá nhân... Tuy nhiên, tất cả những thứ đó không phải chỉ để trang trí cho đẹp mắt mà phải hướng tới mục đích phục vụ các nhu cầu học tập và hoạt động mang tính xã hội của mỗi học sinh. Với ý tưởng trên, các lớp đã trang trí thật hợp lý ngày từ đầu năm. GV đều nhận thức được:
+ Cách sắp xếp bàn ghế thay vì bàn ghế được sắp theo hàng ngang như trước đây, các lớp học VNEN yêu cầu sắp xếp lại bàn ghế theo nhóm học sinh: nhóm 4 hoặc nhóm 6. Sự thay đổi trong cách sắp xếp bàn ghế tạo ra sự thay đổi về vị trí chỗ ngồi. Từ đó, tạo ra sự thay đổi về tâm thế học tập và quan hệ tương tác của đứa trẻ. Với cách ngồi theo hàng ngang, trẻ không cần tương tác với nhau, trẻ chỉ có một quan hệ tương tác: cô và trò. từ đó, nẩy sinh tâm lý lấy cô giáo làm trung tâm của quá trình học tập; hoạt động học tập chủ yếu từ nghe giảng- ghi nhở- vận dụng và tái hiện. Cách học này chỉ tạo nên những bộ óc biết ghi nhớ và tái hiện mà không tạo nên được con người có các năng lực mà xã hội đang cần- năng lực tự chủ, năng lực phối hợp nhóm, năng lực tư duy, năng lực sáng tạo...
+ Chương trình VNEN còn có “Hộp thư bè bạn”, “Hòm cam kết”, “Điều em muốn nói”. Mỗi hòm thư đều có những cái hay của nó. Ở “Hòm thư bè bạn” – các em đã thổ lộ những điều muốn nói với bạn một cách thoải mái hơn. Như vậy, học sính sẽ thường xuyên xem lại những thứ trong hộp thư vui và bổ sung vào hộp những hình ảnh tích cực khác. Còn ở “ Điều em muốn nói” lại để học sinh bày tỏ ý kiến của mình. Những ý kiến của học sinh có thể là những tình cảm, cảm nhận, mong muốn, đề nghị của các em về thầy cô, cha mẹ….mà các em không thể hoặc chưa dám nói trực tiếp. Hay là ở “Hòm cam kết”- Đây là công cụ được thiết kế giúp học sinh tập trung vào các lĩnh vực trong cuộc sống mà các em muốn hoàn thiện hơn. Hòm cam kết này được để ở các lớp học để khuyến khích học sinh chịu trách nhiệm với các vấn đề các em gặp vướng mắc hoặc giúp giáo viên trong việc hỗ trợ học sinh bằng cách hướng dẫn, thúc đẩy và khuyến khích các em tự ra quyết định.
Đặc biệt trong bì thư của mỗi em, lúc có điều gì tế nhị, cô giáo muốn khen hay nhắc nhở em nào điều gì thì viết những dòng tâm sự bỏ vào đó, học sinh đọc và các em có xúc cảm đặc biệt. Học sinh rất vui vì các em có thể giúp cô giáo xây dựng các góc học tập. Xây dựng 4 góc học tập cơ bản: Góc Toán, Góc Tiếng việt, Góc Tự nhiên và Xã hội và Góc Hoạt động giáo dục. Giáo viên và học sinh cần tìm những tài liệu nhất định để đưa vào các góc môn học ngay từ đầu năm học. Danh mục các tài liệu không phải là nội dung duy nhất có trong các góc môn học. Chúng tôi xem xét các tác phẩm hay, liên quan đến nội dung bài học để trưng bày trong các góc môn học. Giáo viên cần quan sát xem học sinh thích gì, quan tâm đến lĩnh vực nào, lưu ý xem kết quả học tập của các em ở góc học tập nào có kết quả tốt hơn, hiệu quả hơn để đáp ứng kịp thời sở thích của học sinh vì nó giúp học sinh yêu thích công việc và có thể định hướng nghề.
+ Thư viện lớp học chỉ đơn giản là một tủ sách nhỏ. Thư viện được thiết kế không quá cao, không quá thấp so với tầm với của học sinh. Thư viện được đặt ở cuối lớp. Đầu năm lớp được cấp một số truyện theo các chủ đề: truyện cổ tích, truyện dân gian, truyện cười….Tuy nhên với số sách cấp có hạn, tôi đã huy động học sinh đóng góp thêm vào tủ sách. Các loại sách trong thư viện được sắp xếp, phân lọai theo từng lĩnh vực để tiện cho việc sử dụng và quản lý sách. Ở trên lớp, vào giờ ra chơi hay sau những giờ ăn trưa học sinh lại được đắm mình vào những quyển truyện yêu thích.
+ Xây dựng bản đồ cộng đồng một cách đơn giản để học sinh hiểu trên bản đồ là vị trí trường học và vị trí nhà ở của tất cả học sinh trong lớp. Góc cộng đồng là sự mô tả các thông tin về sản xuất, kinh doanh, ngành nghề, phong tục tập quán,….
Như vậy môi trường lớp học làm cho các em gắn bó với bạn, với lớp, với cô giáo hơn, các em thực sự vui khi đến trường.
Thứ hai: Thay đổi về phương pháp tổ chức dạy học:
- Giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp dạy học một cách hiệu quả. Giáo viên đã nhận thức đúng trong việc dạy học lấy quá trình học của HS làm trung tâm. Rèn luyện cách học, cách tư duy cho HS. Học sinh được tự học, hoạt động, trải nghiệm, hợp tác từ đó có được năng lực mới (kiến thức, kĩ năng, các phẩm chất, yếu tố khác của năng lực). Giáo viên chỉ tư vấn, hỗ trợ, tổ chức quá trình tự học của HS.
- Sự thay đổi về phương pháp tổ chức dạy học đã tạo ra sự tiến bộ khá nhanh về năng lực tự học, năng lực hợp tác, tự quản, năng lực tự đánh giá kết quả học tập của học sinh. Học sinh tự tin hơn trong giao tiếp và trong các hoạt động giáo dục.
- Trong quá trình dạy thử nghiệm GV luôn nhận thức đúng và tâm huyết trong việc thực hiện theo dự án, thường xuyên thăm lớp dự giờ trong tổ, trao đổi vướng mắc về nội dung kiến thức hay phương pháp tổ chức các hoạt động học cho phù hợp cũng như sự tiến bộ của HS.
- GV luôn đảm bảo 5 bước dạy học theo VNEN, luôn quan tâm đến từng cá thể trong tưng nhóm, đánh giá kịp thời sự tiến bộ của các em.
- GV thường xuyên đầu tư, nghiên cứu tài liệu nhằm hiểu dụng ý của tài liệu và nắm chắc nội dung bài học để linh hoạt, sáng tạo trong viêc sử dụng tài liệu hướng dẫn học tập phù hợp đối tượng HS của lớp và đặc điểm của tiết học. Luôn ghi chép nhật ký bài dạy ở mỗi bài cụ thể để điều chỉnh rút kinh nghiệm khi gặp vướng mắc về nội dung, hình thức tổ chức dạy học theo tài liệu.
- HS luôn ghi nhớ và nhuần nhuyễn với 10 bước học tập và tự giác tích cực trong học tập.HS được tương tác với bạn trong nhóm, được tự đánh giá kết quả học tập của bản thân, của bạn.
- Những môn học chuyển sang hoạt động GD được GV nhận thức đúng đắn trong quá trình dạy học. GV đã tổ chức hình thức linh hoạt, hiệu quả, dạy học với phương pháp tạo cho học sinh cơ hội tự học, không làm thay, không nhồi nhét, không máy móc, các hoạt động diễn ra nhẹ nhàng, hiệu quả.
- Điểm mới của đổi mới phương pháp dạy học theo mô hình VNEN là dạy học theo nhóm. Là dạy học đặt học sinh vào môi trường tích cực, trong đó học sinh tổ chức thành nhóm một cách thích hợp và học hợp tác trong nhóm giúp các em tự rèn luyện kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp tạo điều kiện cho học sinh học hỏi lẫn nhau, phát huy vai trò trách nhiệm, tính tích cực xã hội trên cơ sở làm việc hợp tác. Thông qua làm việc nhóm các em có thể cùng làm việc với nhau những công việc mà mình không thể tự làm được trong một thời gian nhất định.
- Giáo viên đã từng bước hình thành phương pháp dạy học mới là tập trung vào những hoạt động:
+ Đề xuất ý tưởng; Tổ chức cho học sinh làm việc theo các hình thức khác nhau (cá nhân, cặp, nhóm). Quan sát và hỗ trợ cá nhân trong khi các em thực hiện nhiệm vụ.
Thứ 3: Thay đổi về cách đánh giá, Giáo viên đều nhận thức và đánh giá đúng học sinh theo tinh thần:
- Đánh giá kết quả học tập các môn học và hoạt động giáo dục theo Chuẩn kiến thức kỹ năng trong chương trình GD phổ thông cấp Tiểu học và các năng lực cần thiết dược hình thành qua mô hình trường học mới tại Việt Nam: tự học; làm việc cá nhân; làm việc theo nhóm; giao tiếp; vận dụng kiến thức vào cuộc sống; chia sẻ; hợp tác; tự đánh giá; đánh giá kết quản học tập của bạn ; thực hiện các hoạt động theo mô hình VNEN(tổ chức góc học tập, thư viện, hộp thư, hội đồng tự quản..)
- Đánh giá được tiến hành:
+ Đánh giá thường xuyên được tiến hành theo tiến trình bài học và các hoạt động giáo dục hàng ngày bằng hình thức nhận xét.
+ Đối tượng tham gia đánh giá kết quả học tập của mỗi học sinh gồm: học sinh tự đánh giá, bạn đánh giá, phụ huynh đánh giá, GV đánh giá
Tất cả các hình thức đánh giá trên đều nhằm mục đích góp phần thực hiện mục tiêu, nội dung chương trình GDTH, tạo điều kiện giúp GV đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức các hoạt động GDTH, đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập của học sinh. Khuyến khích học sinh học tập tích cực , hình thành năng lực tự học, hợp tác, vận dụng kiến thức vào cuộc sống ; phát huy sự năng động, sáng tạo … Động viên sự tiến bộ của học sinh, và để điều chỉnh quá trình dạy học.
Thứ tư: Giáo viên đã mạnh dạn thay đổi hình thức tổ chức dạy học:
- Tài liệu VNEN tạo điều kiện tốt cho GV vận dung nhiều hình thức tổ chức dạy học như các nhân, nhóm, lớp; GV mạnh dạn thay đổi không gian lớp học trong, ngoài lớp học. Đặc biệt hình thức tổ chức dạy học theo nhóm đáng được GV sử dụng nhiều nhất và bước đầu có hiệu quả.
Thứ năm- Chuyển đổi các môn học sang hoạt động GD:
GV đã nhấm nhuần về việc chuyển đổi các môn học Âm nhạc, Mỹ thuật, Thủ công, Thể dục, Đạo đức trên tình thần tổ chức cho các em các hoạt động một cách nhẹ nhàng, có thể vận dụng tài liệu cũ, có thể tự GV chọn nội dung GD phù hợp chủ đề hỗ trợ môn Tiếng Việt. Tổ chức cho Học sinh được tham gia, trải ngiệm, hoạt động, để các em được GD, được chăm sóc , được rèn một số kỹ năng một cách nhẹ nhàng không áp đặt, không tạo áp lực cho các em.
Thứ sáu- Những kết quả cụ thể:
Những băn khoăn ban đầu của chúng tôi khi tiếp nhận Dự án được giải tỏa: các kỹ năng cốt lõi theo mục tiêu của chương trình tiểu học đạt vững chắc, học sinh khá, giỏi tăng mạnh so với học sinh các lớp đại trà; và điều đáng nói là học sinh sớm được hình thành các năng lực, kỹ năng cần thiết khác trong xã hội mới: các em tự nhiên, tự tin hơn trong giao tiếp; các năng lực khác như tự tìm tòi, sáng tạo cũng được khơi gợi; dư luận và phụ huynh đồng tình, ủng hộ và mong muốn tham gia vào công việc chung của nhà trường, của lớp để thể hiện trách nhiệm, vì vậy, công tác xã hội hóa quá trình giáo dục không cần hô hào mà đã trở thành nhu cầu tự thân. Và rất nhiều những hiệu ứng tích cực từ các lớp học VNEN đã tạo ra không khí lao động sáng tạo ở mỗi nhà trường, mỗi giáo viên chúng tôi, điều mà trước đây không thể có được.
Những khó khăn ban đầu:
Mặc dù GV rất ý thức trong vấn đề dạy học phân hóa ngay trong từng tiết học nhưng trong cách thức tổ chức dạy học VNEN rất khó khăn cho việc giao nhiệm vụ riêng cho học sinh có năng khiếu, điều đó ít nhiều có ảnh hưởng đến hiệu quả của các kỳ thi dành cho học sinh có năng khiếu.
GV còn lúng túng trong việc trang trí lớp và tổ chức dạy học cũng như vấn đề tiếp xúc và tư vấn cho phụ huynh, giải tỏa những băn khoăn không đáng có cho phụ huynh…, về phương pháp , cách thức mới. Giáo viên rất vất vả trong việc chuẩn bị đồ dùng dạy học cho từng đối tượng hoặc từng nhóm đối tượng học sinh.
Cơ sở vật chất chưa đáp ứng thỏa mãn phương pháp dạy học mới. Yêu cầu đầu tư trang thiết bị khá cao trong khi khả năng đáp ứng của nhà trường còn hạn chế. Hệ thống máy móc thiết bị hỗ trợ còn thiếu (máy photocopy, máy quay phim, chụp ảnh..). Tài liệu hướng dẫn cho Gv chưa có. Các môn học được chuyển sang hoạt động GD không có tài liệu, GV đang sử dung chương trình và SGK cũ theo tinh thần chuyển đổi sang hoạt động GD. Nếu sự chuyển đổi không mang tính tích cực.
Thay cho lời kết
Tôi nhớ lại ngày đầu triển khai Dự án, GV rất lúng túng, hoang mang. Thầy Trần Thế Sơn, Trưởng phòng GD Tiểu học phải tự mình đến từng trường, gặp giáo viên để nói chuyện với họ, động viên họ vượt qua. Thầy nói: “Từ trước tới nay, chúng ta đang dạy cho học sinh về lý thuyết bơi; học sinh làm bài thi đạt điểm giỏi nhưng lại không biết bơi. Nay ta phải dạy cho chúng bơi, phải chấp nhận khó khăn ban đầu khi dạy cho một đứa trẻ bơi để sau này chúng không bị duối nướckhi chúng ra biển lớn. Muốn làm được điều đó, các bạn đừng bơi hộ chúng mà phải dạy cho chúng biết bơi” Lời dạy đó của thầy Trưởng phòng đã trở thành phương châm dạy học của những giáo viên VNEN chúng tôi bởi chúng tôi hiểu rằng, xã hội đang cần những người “biết bơi” thực thụ chứ không phải là những nhà “lý thuyết bơi”.