2024

Diễn Châu tập huấn “Giáo dục ứng phó với biển đổi khí hậu”

Thứ hai - 18/11/2013 15:30
Thực hiện nhiệm vụ năm học 2013-2014 và Công văn số 718/PGD&ĐT ngày 25/10/2013 của Phòng Giáo dục và Đào tạo. Sáng ngày 11/11/2013 Phòng GD&ĐT đã tổ chức lớp tập huấn về “Giáo dục ứng phó với biến đổi khí hậu” cho 39 Trung tâm học tập cộng đồng trong toàn huyện. Về dự và khai mạc lớp tập huấn có Thầy giáo Nguyễn Hữu Cầu – Phó trưởng phòng GD&ĐT, các thầy cô giáo là chuyên viên phòng GD&ĐT và gần 80 học viên là cán bộ quản lý và giáo viên được phân công phụ trách tại các Trung tâm HTCĐ.
Diễn Châu tập huấn “Giáo dục ứng phó với biển đổi khí hậu”
       Như chúng ta đã biết biến đổi khí hậu (BĐKH), với các biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng, chủ yếu do hoạt động kinh tế - xã hội (KT-XH) của con người gây ra hiện tượng phát thải quá mức vào khí quyển các khí gây hiệu ứng nhà kính. Để ứng phó với hiện tượng này, Liên Hợp Quốc đã thành lập Tổ chức nghiên cứu liên chính phủ về BĐKH (viết tắt là IPCC). Các báo cáo của IPCC và nhiều trung tâm nghiên cứu có uy tín hàng đầu trên thế giới, công bố trong thời gian gần đây, cung cấp nhiều thông tin và dự báo quan trọng. Theo đó, nồng độ khí nhà kính đã vượt quá ngưỡng tự nhiên trong suốt 650 nghìn năm qua. Các tảng băng ở Nam Cực, ở Greenland đang tan chảy với tốc độ ngày càng nhanh. Theo báo cáo của IPCC (2007), được đưa ra trong “Kịch bản BĐKH, nước biển dâng cho Việt Nam” (Bộ Tài nguyên và môi trường, tháng 6/2009), nhiệt độ trung bình trên bề mặt địa cầu đã tăng khoảng 0,74°C  trong thời kỳ 1906 - 2005 và tốc độ tăng của nhiệt độ trong 50 năm gần đây gần gấp đôi so với 50 năm trước đó. Mực nước biển toàn cầu đã tăng trong thế kỷ 20 với tốc độ khoảng 1,8 mm/năm, nhưng chỉ trong 12 năm gần đây, theo các số liệu của vệ tinh NASA cho thấy tốc độ này là 3,0 mm/năm. Trong thập niên gần đây người ta cũng nhận thấy thiên tai xảy ra thường xuyên hơn. Các thống kê cho thấy, trung bình thế giới có hơn 300 thiên tai mỗi năm với khoảng gần 300 triệu người bị ảnh hưởng, trong đó hơn 98% ở các nước đang phát triển. Nguy cơ BĐKH gắn liền với bão, lụt và dịch bệnh đã thấy rất rõ ràng. Vào năm 2007, Báo cáo phát triển con người của Liên Hợp Quốc đã dành nội dung chủ yếu cho BĐKH, vấn đề được ghi nhận là “tình huống khẩn cấp” của cuộc khủng hoảng gắn liền với ngày hôm nay và mai sau. Báo cáo cũng chỉ rõ: thế giới chỉ còn chưa đầy một thập kỉ để thay đổi tình hình!
       Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương do tác động của BĐKH. Tác động này biểu hiện qua hiện tượng nhiều khu vực đồng bằng như vùng châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long và khu vực ven biển miền Trung đã bị ảnh hưởng bởi hệ quả của BĐKH. Theo các khuyến cáo của  “Kịch bản BĐKH, nước biển dâng cho Việt Nam”, ở kịch bản phát thải trung bình, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ ở Việt Nam có thể tăng 2,3°C, lượng mưa tăng 5%, và  mực nước biển dâng thêm khoảng 75 cm so với trung bình thời kỳ 1980 – 1999. Việt Nam là một quốc gia biển, theo các dự báo, vấn đề nước biển dâng cao có thể làm mất 12% diện tích của lãnh thổ và đe dọa chỗ sinh sống của khoảng hơn 17 triệu người! Với Việt Nam, “hậu quả của BĐKH là nghiêm trọng và là một nguy cơ hiện hữu”. Vì vậy, Việt Nam đã công bố và thực thi “Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH” (Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 02/12/2008), trong đó công tác tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng là hết sức quan trọng.
       Biện pháp giáo dục trong giảm thiểu tác động của BĐKH rất cần thiết được thực hiện trong các trung tâm học tập cộng đồng. Đây là nơi tập trung đông đảo lực lượng học viên ở mọi tầng lớp trong xã hội và có tác động lan tỏa tới toàn dân. Việc lồng ghép nội dung giáo dục về giảm nhẹ tác động của BĐKH có thể thực hiện thông qua các hoạt động giáo dục, tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của toàn dân và thực thi các giải pháp để ứng phó có hiệu quả với BĐKH.
       Các cơ sở giáo dục đều có thể triển khai nội dung giáo dục về giảm nhẹ tác động của BĐKH tương tự như trong nhà trường phổ thông. Mặt khác có thể liên hệ, đưa ra các tình huống gần thực tiễn để người học có thể tham gia và từ đó đúc kết kinh nghiệm cụ thể cho bản thân họ. Tại các cơ sở giáo dục, cần xây dựng các biện pháp cụ thể và trực tiếp để người học có thể áp dụng các điều học được vào thực tiễn Nhà trường đồng thời cần là hình mẫu cho người học học tập. Ví dụ, nhà trường thực hiện tiết kiệm năng lượng thông qua sự tiết kiệm điện, nước như sử dụng các bóng đèn tiết kiệm điện, không để các vòi nước rò rỉ, phân loại rác thải,….
       Các trung tâm học tập cộng đồng cần đề ra các mục tiêu cụ thể cho các hoạt động giáo dục về giảm nhẹ tác động của BĐKH. Ví dụ nhằm thực hiện việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, mục tiêu cụ thể được đặt ra hàng năm. Thí dụ sẽ tiết kiệm được bao nhiêu phần trăm lượng điện tiêu thụ hàng tháng, hạn chế sử dụng túi ni lông, giữ gìn vệ sinh phòng bệnh…
        Để triển khai đồng bộ, đảm bảo có kết quả, cần nâng cao nhận thức về giảm nhẹ tác động của BĐKH cho cán bộ, giáo viên và những người tham gia trong các trung tâm HTCĐ, cần tổ chức các hoạt động thiết thực về giảm nhẹ tác động của BĐKH cho những người tham gia và có những phần thưởng nhằm khích lệ các hoạt động ấy.
Sự đầu tư thường xuyên và liên tục của nhà nước, của các tổ chức nhằm phục vụ cho việc mua sắm các trang thiết bị cần thiết, cho việc điều hành, tổ chức các hoạt động giáo dục về giảm nhẹ tác động của BĐKH là tiền đề cho sự thành công của hoạt động giáo dục này.
        Đây là dịp mọi người dân nhận thức rõ hơn về hậu quả của biến đổi khí hậu, từ đó có những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực nhằm giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu  góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống./.
Một số hình ảnh buổi tập huấn


 

Tác giả bài viết: Quốc Toản - Hội khuyến học

 Từ khóa: phòng gd&đt

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây