Truyền thống hiếu học của người dân Diễn Châu

Thứ năm - 06/12/2012 08:40
Với diện tích 330km2, Diễn Châu đã có gần 1385 năm tuổi (627- 2010). Đây là nơi địa linh nhân kiệt: Mộ Dạ Sơn - Đền thờ An Dương Vương phía Nam, lữ khách qua đây ngả mũ cúi chào, lặng lẽ suy ngẫm sự hưng vọng và băn khoăn tự hỏi:
Đền Cuông - Diễn Châu
Đền Cuông - Diễn Châu
Nên khóc An Dương Vương hay là khóc Mỵ Châu. Con lầm lỗi hay cha lầm lỗi?
         
Cầu Cẩm Bào phía Bắc, minh chứng thời binh đao, khói lửa, minh quân trung thần. Lèn Hai Vai sừng sững phía Tây nặng gánh việc nước, việc nhà, việc làm ăn, việc học hành. Phía Đông Cửa Hiền, Hòn Câu đón gió đại dương.
         
Hiếu học, khổ học, học thông minh là một trong những đức tính tốt đẹp trở thành truyền thống của người dân Diễn Châu. Bao thế hệ cha ông gửi niềm tự hào, sự mong ước vào cách đặt tên làng xã, tên con cháu: Nho Lâm, Xuân Nho, Thịnh Mỹ, Phượng Lịch, Bút Trận, Văn Vật, Long Cơ, Văn Hiến, Linh Kiệt, Mỹ Quan....
         
Dưới thời Nho học, Diễn Châu có 34 vị đỗ Đại Khoa và hơn 400 vị đỗ Trung Khoa ( Hương Cống – cử nhân). Có thể xem Bạch Liêu, Diễn Lợi là người mở đầu, ông đỗ Trại Trạng Nguyên khoa Bính Dần năm 1266. Không làm quan, ông chỉ làm mạc Khách (khách trong màn) cho Thượng tướng Trần Quang Khải trong việc chống quân Nguyên      Mông. Cụ Nguyễn Xuân Ôn, Diễn Thái từ một hàn nho, hiếu học, trở thành ông Nghè, một nhà thơ, một nhà yêu nước, thủ lĩnh của khởi nghĩa Cần Vương ở Bắc Nghệ - Tĩnh; cụ Cao Xuân Dục làm đến chức Thượng thư Đông các Đại học sỹ ở triều Nguyễn. Cụ có con là Cao Xuân Tiếu đỗ Phó Bảng khoa Ất Mùi năm 1875 làm quan đến Thượng thư Hiệp biện đại học sĩ, cháu nội là GS Cao Xuân Huy - nhà Đông phương học nổi tiếng; chắt nội là GS Cao Xuân Hão – dịch giả, nhà ngôn ngữ học có uy tín trong và ngoài nước; làng Nho Lâm có cụ Đặng Văn Thụy xuất thân từ một gia đình thường dân, ông nội là thợ rèn, cha là ông đồ nghèo.Khoa thi năm Giáp Thìn ( 1904) cụ đỗ Hoàng Giáp làm đến chức Tế tửu Quốc tử giám. Hai con cụ là Đặng Văn Oánh, Đặng Văn Hướng đỗ Phó bảng khoa Kỷ Mùi ( 1919) cháu là Đặng Văn Việt, cán bộ cao cấp quân đội nhân dân Việt Nam – người được tướng lĩnh Pháp mệnh danh “ Con hổ xám” trong chiến dịch đường số 6 Hòa Bình và Đặng Thị Hồng Vân, nữ tú tài đầu tiên của Nghệ An, GS trường ĐH Dược Hà Nội, Viện sỹ Thông tấn Viện Hàn lâm Y học Pháp; họ Ngô Công Thần( Diễn Kỷ) có gia đình nhiều đời có người đậu Đại khoa: Ngô Trí Tri, Ngô Trí Hòa, Ngô Sỹ Vinh, Ngô Công Trạc, Ngô Hưng Giáo, trong đó 2 cha con Ngô Trí Tri, Ngô Trí Hòa đồng Tiến sỹ, họ Hoàng ở Diễn Cát, ngoài Hoàng Kiêm đỗ Tiến sỹ năm 1904 đời Nguyễn. Trước đó vào đời Lê có Hoàng Nhạc đỗ Tiến sỹ năm 1502, có Hoàng Công Sáng, cháu Hoàng Nhạc đỗ Hương cống ( cử nhân ) Hoàng Trí Đạo, Hoàng Trí Lĩnh, Hoàng Quốc Tuy, Hoàng Công Trụ cũng đều đỗ Hương cống. Dưới thời Pháp thuộc có Hoàng Đức Thi đỗ Cao đẳng sư phạm Đông Dương, là nhà giáo tâm huyết, là nhân vật hoạt động yêu nước tích cực, Hoàng Sử tốt nghiệp Đại học Y khoa 1928 Giáo sư Tiến sỹ, đại biểu Quốc hội hai khóa liên tục.
         
Hiện nay Diễn Châu có hơn 200 Tiến sĩ, Tiến sĩ khoa học, Viện sĩ Thông tấn. Anh Hoàng Ngọc Hà, Diễn Bích là một trong số ít người Việt Nam nhận bằng TSKH lúc 31 tuổi, hàm GS lúc 37 tuổi. Và gần 60 người được Nhà nước phong hàm GS, PGS, cấp tướng, Thứ trưởng, Bộ trưởng......Một làng nhỏ Thịnh Mỹ có tới 3 người được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh (GS Cao Xuân Huy, GS Cao Huy Đỉnh, TS Phạm Sĩ Tân), một xã nghèo Diễn Quảng có 2 người được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước ( GS Lê Duy Thước, GS Phan Đại Doãn), một họ nhỏ - họ Đàm Diễn Nguyên nghèo khó hiện có 7 Tiến sĩ, có người nhận bằng Tiến sĩ lúc 27 tuổi. Một gia đình ở Diễn Kỷ 3 người con điều là Tiến sĩ, Tiến sĩ Khoa học ( Phạm Đình Thái, Phạm Quốc Ca, Phạm Tuấn Vũ) ở Diễn Yên, 2 anh em là PGS. Tiến sĩ Toán học (Nguyễn Tố Như, Nguyễn Nhụy riêng anh Tố Như đạt giải nhất báo Toán hoc Tuổi trẻ năm 1966, học trò cưng của thầy Lương Thế Trác), anh Tăng Đức Thắng ( Diễn Hạnh) cha là liệt sỹ, mẹ mất sớm, nhà rất nghèo, nhờ khổ học anh trở thành Phó GS, Tiến sỹ, Viện phó viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện trưởng viện khoa họcThủy lợi miền Nam ở làng Đông phái Diễn Hoa ông Ngô Tài cày ruộng, có con cấp tướng Ngô Trí Nhân, một con là nhà ngoại giao – ông WTO - Tiến sĩ danh dự của Thụy Sĩ, Ngô Quang Xuân và cháu là Hoa hậu Thế giới người Việt Ngô Phương Lan. Từ một học trò nghèo làng Tràng Khê đan bị cói xã Diễn Hoa, Đặng Ngọc Long trở thành GS, người nước ngoài duy nhất được chọn làm Hiệu trưởng trường Âm nhạc Berlin năm 2004, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật liên hoan âm nhạc Kiêm Chủ tịch Ban giám khảo cuộc thi guitar quốc tế tại Berlin năm 2006, được mời giảng dạy tại trường đại học quốc tế Kirgisistan, được ghi tên vào Từ điển Danh nhân Who’s Who. Hàng chục nhà thơ, nhà văn, nhà dịch thuật, hàng trăm người đã, đang công tác, giảng dạy ở các viện nghiên cứu, các trường ĐH danh tiếng trong và ngoài nước. Những cái tên Nguyễn Xuân Ôn, Ngô Trí Hòa, Phùng Chí Kiên, Võ Mai, Cao Xuân Huy, Cao Huy Đỉnh, Lê Duy Thước, Sơn Tùng, Trần Hữu Thung, Trương Đình Tuyển, Nguyễn Đình Lộc, Ngô Quang Xuân .......đã làm rạng danh quê hương.
           
Hiện nay toàn huyện có 25.346 gia đình hội viên đạt danh hiệu “Gia đình hiếu học”. Tiêu biểu là gia đình ông Lô, ông Tuyển giáo dân nghèo Diễn Nguyên nuôi 7 con và 5 con học ĐH và trên ĐH; ông Thoan Diễn Lâm nuôi 6 con học Đại học, Cao đẳng; ông Đậu Công Nai Diễn Thành có 6 con đều học giỏi thi đậu Đại học, ông Cần Diễn Hoàng có 4 con học Đại học; chi Phương Diễn Lộc chồng thương binh nuôi 3 con học Đại học: SP Hà Nội, Y Hà Nội và Dược Hà Nội. Gia đình anh Ngô Văn Tuấn Diễn Mỹ, bản thân tàn tật, thuộc hộ nghèo vẫn nuôi 2 con học Đại học, gia đình ông Vũ Văn Hùng Diễn Vạn có 3 con học Đại học và bản thân ông tuy đã 50 mươi tuổi vẫn theo học Đại học, vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Quang, cô giáo Phạm Thị Tình Diễn Hạnh đã bươn chải làm đủ mọi nghề chân chính để nuôi 2 con học lớp Cử nhân Tài năng, đặc biệt cháu  Nguyễn Ngọc Cường, sau khi tốt nghiệp ĐH, cháu thi đậu lớp Cao học Toán cơ bản quốc tế và học tại trường ĐHSP Pari XI, nơi GS Ngô Bảo Châu đã học. Hiện nay cháu đang làm luận văn Tiến sỹ toán tại Ba Lan. Em Trần Văn Hiếu, Diễn Bích cha là bệnh binh đánh cá thuê mẹ chạy chợ hàng ngày nuôi 5 con học Đại học và phổ thông. Suốt thời gian học phổ thông, Hiếu học tại xã Diễn Bích, trường THPT Nguyễn Xuân Ôn. Từ năm 2006 đến 2010 em là sinh viên Đại học Bà Rịa Vũng Tàu em phải làm thêm để học, em học rất giỏi, nhất là môn toán. Hai lần em được chủ tịch Hội Toán học Việt Nam tặng bằng khen đạt giải trong kỳ thi OLimpic toán sinh viên toàn quốc. Năm 2010 em đạt huy trương đồng môn giải tích OLimpic toán quốc tế. Hiện nay em đang học Thạc sỹ. Chị Nguyễn Thị Tình ( Diễn Kỷ) chồng bị tâm thần, lên cơn thường xuyên, chị vừa bán bánh xèo vừa nuôi 2 con học Đại học ở Hà Nội và Sài Gòn. Hai con chị rất cần cù, tiết kiệm, thương mẹ quý cha học giỏi... Họ là những dân nghèo vì tương lai mà thắt lưng buộc bụng nuôi con ăn học. Áo họ bạc phếch và mặn chát mồ hôi để các con được học trong các giảng đường Đại học trong và ngoài nước. Làng Tân Châu - Diễn Nguyên trong năm 2008 đã có 24/26 em đậu Đại học, Cao đẳng, làng Tân Cao, một làng giáo dân toàn tòng vì nhiều năm làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài nên năm 2008 có 7 em thi đều đậu vào Đại học, Cao đẳng, có một em đạt giải nhì học sinh giỏi tỉnh bậc THCS.
           
Thắp sáng truyền thống cao đẹp của bao thế hệ cha ông, trong mươi năm nay, ngành GD-ĐT Diễn Châu luôn là đơn vị dẫn đầu tỉnh về số lượng và chất lượng học sinh giỏi tỉnh, quốc gia, học sinh đậu các trường ĐH, trường chuyên Phan Bội Châu, khối chuyên Đại học Vinh. Chỉ tính trong ba năm (2008, 2009, 2010) Diễn Châu đã có: 279 HSG tỉnh lớp 9, trong đó 13 giải nhất, 50 giải nhì, 90 giải ba ; 334 HSG tỉnh THPT, trong đó 7 giải nhất, 32 giải nhì, 91 giải ba, trường THPT Diễn Châu 3, có 68 em (4 giải nhất, 8 giải nhì, 15 giải ba). Em Nguyễn Phan Mạnh, mồ côi mẹ, học sinh THPT Nguyễn Xuân Ôn đạt giải 3 Hóa học Quốc gia. Trong cuộc thi giao lưu Ôlimpic tiếng Anh cho học sinh Tiểu học, Diễn Châu có 6 em đạt giải tỉnh, em Phạm Tuấn Cường, Tiểu học Diễn Hồng đạt thủ khoa, 3 em tham gia giao lưu tiếng Anh toàn quốc, em  Nguyễn Thảo My, Tiểu học Thị trấn đạt giải ba (giải duy nhất của Nghệ An). Thi giải toán qua mạng ở bậc Tiểu học, Trung học cơ sở, Diễn châu có 71 em đạt HSG tỉnh, 7 em đạt HSG quốc gia, trong đó có 1 huy  chương bạc, 2 huy chương đồng. Và rất nhiều em tham gia giải toán trên báo Toán học Tuổi thơ, báo Toán học Tuổi trẻ. Năm 2007, em Trần Thị Thu Hà học sinh THPT Nguyễn Xuân Ôn vào chung kết Đường lên đỉnh Olympia toàn quốc. Kỳ thi ĐH năm 2003, em Hoàng Thị Kim Chung, học sinh THPT Diễn Châu 2, đậu thủ khoa Công nghệ Thông tin ĐHQG Hà Nội; năm 2009, em Phan Văn Minh, học sinh THPT Diễn Châu 5, đậu thủ khoa ĐH luật Hà Nội;  năm 2010, THPT Diễn Châu 2 có 3 em đạt từ 25 điểm trở lên, trong đó em Đặng Nhật Phi đạt 29 điểm ĐH Ngoại thương Hà Nội. Điều đáng lưu ý tất cả các em đều là học sinh nghèo biết vượt khó vươn lên học giỏi tại các trường ở Diễn Châu. Con số trên sẽ tăng lên rất nhiều nếu kể cả số em đã, đang học ở trường chuyên Phan Bội Châu, Khối chuyên đại học Vinh.
          
Từ những con số biết nói chúng tôi đã nêu càng khẳng định ngươi dân Diễn Châu có truyền thống hiếu học, khổ học và học rất giỏi. Truyền thống ấy sẽ được nhân rộng, phát huy mạnh mẽ nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát đúng của Huyện Ủy, HĐND, UBND huyện và các Ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội trực tiếp là phòng GD-ĐT, ban Giám hiệu các trường, đội ngũ thầy giáo, cô giáo giỏi, tâm huyết, sự động viên kịp thời của Hội khuyến học các cấp./.

Tác giả bài viết: VP. Hội khuyến học huyện

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây